Tin tứcKinh tế Xã hộiĐất nước - Con ngườiTin nội bộTuyển dụngCông đoànBáo chí viết về Quốc Duy

Liên hệ trực tuyến

Tin tức » Đất nước - Con người

[Tin nhanh Gia Lai] Gặp người từng bị Mỹ treo thưởng hàng triệu đô

( 2012-05-15 14:10:22 )

(GLO)- Tiểu đoàn 19 thuộc Đoàn 429 đặc công do ông Phạm Bá Phong làm Tiểu đoàn trưởng, là đơn vị trực tiếp dẫn đường đưa Quân Giải phóng qua xa lộ, tiến thẳng vào Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975. Người chiến sĩ năm ấy đã từng bị địch treo thưởng đến 2 triệu USD cho ai bắt được.

Ký ức ngày 30-4

Dù đã 37 năm trôi qua, trong ông vẫn nguyên vẹn ký ức về thời khắc lịch sử ấy: “Tháng 2-1975, tôi được điều về phụ trách đánh Tổng kho Long Bình-kho dự trữ vũ khí lớn nhất Đông Nam Á của địch. Sau khi đánh hết 480 khu kho, chúng tôi được lệnh chuẩn bị cho tổng tiến công, giải phóng miền Nam. Đơn vị của tôi được phân công canh giữ xa lộ, đưa Quân đoàn 2 qua cầu Sài Gòn, tiến vào Dinh Độc Lập. Chúng tôi cắm cờ hai bên cầu để báo cho Quân Giải phóng biết có đơn vị dẫn đường, song chờ mãi vẫn không thấy bóng dáng chiếc xe tăng nào như kế hoạch. Chúng tôi lòng nóng như lửa đốt, từng phút, từng giây trôi qua trong sự chờ đợi đến nghẹt thở. Cuối cùng chiếc xe tăng đầu tiên xuất hiện… Sau khi xe tăng của quân ta húc đổ cánh cổng Dinh Độc Lập, chúng tôi lập tức quay lại vị trí. Không lâu sau, nghe Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Dương Văn Minh đọc tuyên bố đầu hàng trên đài phát thanh, chúng tôi ôm nhau nước mắt ràn rụa…”.
 

Nuôi và đánh bắt cá vừa là thú vui tuổi già, vừa giúp cựu chiến binh Phạm Bá Phong có thêm thu nhập. Ảnh: H.N
Nuôi và đánh bắt cá vừa là thú vui tuổi già, vừa giúp cựu chiến binh Phạm Bá Phong có thêm thu nhập. Ảnh: H.N

Trận đánh ngày 30-4-1975 chỉ là một trong số hàng trăm trận đánh của Phạm Bá Phong ở mặt trận phía Nam. Gần 10 năm chiến đấu ở chiến trường phía Nam (1966-1975), dù có nhiều chiến công được lịch sử quân sự Việt Nam ghi danh, nhưng những chiến công lẫy lừng nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông phải kể đến thời gian ông công tác ở Tiểu đoàn phóng lôi 135-Bộ Tư lệnh Hải quân. “Tiểu đoàn phóng lôi khi ấy được xem là con cưng của Bộ Tư lệnh Hải quân và được Bác Hồ đặc biệt quan tâm”-ông Phong nói. Nói chuyện với Bộ đội Hải quân ngày 15-3-1961, Bác nhấn mạnh: “Bờ biển ta dài, tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. Chỉ một lời nói giản dị ấy nhưng những người lính biển thấm thía nhiều hơn về sứ mệnh cao cả.  

Sau gần 10 năm xây dựng, trận hải chiến (năm 1964) đánh tàu Ma-đốc một con tàu khu trục đa năng của Mỹ được xem là chiến công đầu của Hải quân Nhân dân Việt Nam. Chiến công ấy được nhắc đến trong cuốn “Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam” (Nhà Xuất bản Quân đội Nhân dân).

Nước da đỏ au, bóng lên như khối đồng lâu năm với ánh mắt luôn nhìn thẳng, xuyên thấu ở con người đã bước vào tuổi 81 làm tôi liên tưởng ngay đến hình ảnh người chiến sĩ mưu trí, lì lợm trong những trận hải chiến. Trận đánh tàu Ma-đốc mở đầu cho hàng loạt những chiến công vang dội về sau của lực lượng Hải quân. Và, những pháo thủ dũng cảm như Phạm Bá Phong đã góp phần không nhỏ vào chiến công ấy. Đích thân Bác Hồ nhiều lần ra thăm đoàn phóng lôi và khen ngợi thành tích đơn vị đạt được, không quên nhắc đến thành tích của ông. “Tôi gặp Bác cả thảy 6 lần, hai lần được ngồi trực thăng với Bác từ đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh) về đất liền. Tôi thấy tự hào vì làm một người lính biển nhưng đồng thời cũng ý thức lớn lao hơn về nhiệm vụ của mình với sứ mệnh dân tộc”-ông Phong nhớ lại.
 
Năm 1966, ông được lệnh vào Nam chiến đấu. Đó là chuyến đi đặc biệt trong cuộc đời chiến sĩ. “Tôi Nam tiến trên một con tàu không số. Đường Hồ Chí Minh trên biển thì mọi người đều biết, đã đặt chân lên là xác định quên thân mình. Để tránh sự kiểm tra gắt gao của tàu địch, tàu của chúng tôi treo cờ nước ngoài, treo lưới và các dụng cụ đi biển để ngụy trang. Tôi cũng chỉ được biết trên tàu có 12 thủy thủ và phải tuyệt đối giữ bí mật, chúng tôi không được phép nói chuyện hay hỏi han công việc của nhau, ai biết việc người nấy”-ông hồi tưởng.

Dù chỉ với tư cách là “hành khách” của chuyến tàu không số, nhưng ông cũng hiểu rằng, cuộc chiến sinh-tử của cả dân tộc trông chờ nhiều vào từng chuyến cập bến thành công. “Tôi từng dẫn một tiểu đoàn đi từ Thủy Nguyên-Hải Phòng lên Tây Ninh, mất 4 tháng 13 ngày mới tới nơi. Đi 500 người nhưng đến nơi chỉ còn lại một nửa, đa số anh em ra đi do bị sốt rét rừng. Vì thế, một chuyến lênh đênh trên biển chỉ mất vỏn vẹn 7 ngày đêm từ Hải Phòng đến Bến Tre, cũng đáng để đánh đổi…”.

Ngày trở về…

Đúng 10 năm, sau ngày ông Nam tiến chiến đấu ở khắp các mặt trận với những chiến công vang dội, ngày trở về tổ ấm (năm 1976) cứ ngỡ “hoa đào rắc lối” với hạnh phúc không thể đong đếm sau hơn một thập kỷ phân ly (ông xa vợ từ năm 1964). Nhưng cảnh nhà xơ xác, trong đôi mắt “vọng phu”, niềm vui gặp chồng vẫn có điều gì chưa trọn vẹn.

…“Tôi có thời gian dài chiến đấu trong một đơn vị đặc công, thường phải đánh sâu vào những nơi hiểm yếu như kho đạn, súng ống… Một số anh em bị bắt trong những trận đánh ấy, do không chịu được sự tra tấn tàn khốc của kẻ thù, đã khai tên tôi. Địch chiêu hồi tôi trên đài tâm lý chiến ra rả suốt ngày đêm, rải tờ rơi chiêu dụ… Chúng còn trao thưởng 2 triệu USD cho ai bắt được “Sáu Phong, Tám Núi, Chín Tấn”. Sáu Phong là tôi, còn Tám Núi và Chín Tấn đều là những “Việt Cộng sừng sỏ”, một là chiến sĩ an ninh, một làm công tác phong trào. Đây cũng chính là cơn cớ để vợ con tôi, dù ở cách xa hàng ngàn cây số, phải khổ…”-câu chuyện của nhiều thập kỷ đã qua nhưng vẫn làm cho người cộng sản chưa từng sợ hãi trước kẻ thù, nghẹn giọng. Im lặng hồi lâu, ông tiếp: “Không biết tin từ đâu vu cho tôi đầu hàng địch, chính quyền địa phương đã đuổi vợ tôi ra khỏi hợp tác xã. Bao nhiêu lương bổng của tôi, vợ tôi không được nhận một đồng để nuôi con. Tôi ở tận trời Nam làm sao biết cơ sự ở nhà. Sau giải phóng trở về nghe kể lại, tôi mới thương bà ấy vô cùng…”.

Cuộc sống đoàn viên cho vợ chồng ông thêm hai mặt con, nhưng nỗi đau khác lại ập đến khi đứa con gái thứ hai bị nhiễm chất độc da cam. Đất Quảng Xương, Thanh Hóa những năm sau chiến tranh vốn đã kiệt quệ, khó khăn, nay càng khó khăn hơn với vợ chồng ông. Năm 1983, ông đưa vợ con vào huyện Chư Sê làm kinh tế mới. Cuộc sống mới với liên tiếp những biến cố xảy đến như thử thách lòng người.

“Năm 1986, tôi được đề bạt chức vụ Giám đốc Nông trường Cao su Ia Tiêm. Nhưng làm cao su thời bao cấp với bây giờ là cả một bước tiến của lịch sử rồi. Hồi đó, cơ quan giao nhiệm vụ cho tôi trồng mới 200 ha chỉ với 10 triệu đồng. Thời bao cấp làm không lương, vật lộn với công cuộc khai hoang suốt năm, suốt tháng, mỗi tháng được 20 kg gạo, không đủ nuôi vợ con. Cả cuộc đời chiến đấu khắp các chiến trường đã không làm được gì cho vợ con, hòa bình rồi vẫn khổ vì chồng. Thương bà ấy quá, tôi xin nghỉ về thuê 6 sào ruộng trồng lúa, kiếm cái ăn cho vợ con trước đã…”-ông Phong bồi hồi kể lại. Tuy vậy, lịch sử hình thành của Công ty Cao su Chư Sê ghi tên ông như một trong những người có công đầu trong những ngày thành lập.

Thăng trầm cuộc đời của người cựu chiến binh Phạm Bá Phong không thể kể hết, có một điều ở ông làm chúng tôi, trong suốt cuộc trò chuyện thấy lạnh dọc sống lưng, đó là ý chí sắt đá của một người cộng sản và một trái tim nồng hậu với cuộc sống, với con người. Trong câu chuyện, ông luôn nhắc đến người vợ với nỗi thương xót sâu kín. Ngôi nhà khang trang giờ đây đã vắng bóng bà, chỉ còn ông với cô con gái thiểu năng đã gần 40 tuổi vẫn chưa hết ngây ngô và quấn lấy ông như một đứa trẻ… “Vừa hết khổ thì bà ấy bỏ tôi mà đi. Một đời khổ vì chồng nhưng vẫn không một lời trách cứ…”-nhìn lên di ảnh của vợ, ông bùi ngùi.

Đằng sau chiến thắng vĩ đại của dân tộc luôn có những hy sinh lặng thầm của những con người nhỏ bé như ông Phong, như người phụ nữ phía sau ông. Nhưng nếu không có những con người nhỏ bé, thầm lặng ấy, sẽ khó có được chiến thắng vĩ đại của một dân tộc anh hùng…

Hoàng Ngọc- Nguyễn Tú
 

Theo: baogialai
Tin mới hơn
[Tin nhanh Gia Lai] Người con nuôi của Bok Wừu[Tin nhanh Gia Lai] Tỏa sáng những tấm gương công nhân[Tin nhanh Gia Lai] Bác Hồ sống mãi trong lòng người dân Tây Nguyên[Tin nhanh Gia Lai] Chuyện về “kiến trúc sư” xây dựng tổ chức Đảng ở Gia Lai[Tin nhanh Gia Lai] Xã Ia Dreng với quyết tâm thoát nghèo[Tin nhanh Gia Lai] Diện mạo Gia Lai 80 năm về trước
Tin cũ hơn
[Tin nhanh Gia Lai] Pleiku qua hồi ức của một người thợ[Tin nhanh Gia Lai] Huyền thoại một vị tướng[Tin nhanh Gia Lai] Một nông dân trở thành giám đốc doanh nghiệp[Tin nhanh Gia Lai] Nguyễn Văn Thành đam mê nghiên cứu khoa học[Tin nhanh Gia Lai] ""Đại gia"" trên vùng đất khó[Tin nhanh Gia Lai] Đổi thay Djrông[Tin nhanh Gia Lai] Cô gái thủ đô thu tiền tỷ trên đất Tây NguyênPleiku qua hồi ức của một người thợ

Công ty TNHH Quốc Duy Gia Lai. Lô F3 KCN Trà Đa, Xã Trà Đa, TP-Pleiku. 

Công ty TNHH Quốc Duy, Thôn 5 Xã Hoà Phong, Huyện Krông Bông, Đắk Lắk

Email: quocduy@quocduy.vn - Hot line: (84-269)3735138 -  (84-262)3736345

Đang trực tuyến : 8 | Hôm qua : 83 | Tổng lượt : 1923492
Phát triển website bởi Thiết kế web Gia Lai