Liên hệ trực tuyến
Mong muốn đền đáp công ơn của Bác, mong muốn người dân Tây Nguyên có thêm một nơi tưởng nhớ Bác Hồ, vợ chồng ông Cẩn, bà Đến ở Gia Lai đã tự mình xây ngôi đền thờ Bác.
Sinh ra và lớn lên từ vùng đất Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, đầu năm 1970, bà Đặng Thị Đến theo cha lên định cư ở khóm 6, phường An Phú, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai.
![]() |
Ngôi đền thờ Bác Hồ của vợ chồng ông Nguyễn Đình Cẩn. |
Tại đây, bà Đến đã nên duyên vợ chồng với ông Nguyễn Đình Cẩn. Vốn chất nông dân thuần tuý, hai vợ chồng vừa lập nghiệp vừa tham gia các hoạt động tuyên truyền cho bà con đồng bào các dân tộc thiểu số đi theo cách mạng, ủng hộ cách mạng đánh đuổi Mỹ ngụy, giải phóng quê hương.
Khi đất nước thống nhất, hai vợ chồng bà mong một ngày được đặt chân đến làng Sen quê Bác và vào Lăng viếng Bác Hồ, nhưng vì nhiều lý do, mãi đến năm 2007, ước nguyện của họ mới trở thành hiện thực.
Thăm làng Sen, rồi ra Hà Nội vào Lăng viếng Bác, ông bà Cẩm suy nghĩ mình phải làm gì đó để báo đền ơn Bác.
![]() |
Bà Đến hàng ngày thắp hương trên bàn thờ Bác. |
Từ tâm niệm có Bác Hồ, người dân mình, đồng bào mình mới có độc lập, tự do và lúc còn sống, Bác chưa lên được Tây Nguyên để thăm bà con đồng bào các dân tộc, nhưng trong trái tim Bác lúc nào cũng hướng về Tây Nguyên... nên sau chuyến thăm quê Bác và vào Lăng viếng Bác về, vợ chồng ông Cẩm quyết định dành hết khoản tiền trên 300 triệu đồng dành dụm, tích luỹ được cả đời để xây ngôi đền tưởng niệm Bác Hồ, với mong muốn đồng bào Tây Nguyên mỗi lần đến thăm sẽ có nơi thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu.
Cũng trong chuyến thăm Hà Nội, ông bà đã giành nhiều thời gian tham quan một số di tích lịch sử, văn hoá và họ quyết định chọn Chùa Một Cột làm mẫu cho ngôi đền thờ Bác Hồ sẽ xây dựng tại quê mình.
Khi vợ chồng ông Cẩn quyết định xây đền thờ Bác Hồ, con cháu trong dòng họ và bà con chòm xóm ai cũng hết lòng ủng hộ.
Khởi công từ cuối tháng 4-2009, 8 tháng sau, ngôi đền tưởng niệm Bác Hồ của ông bà Cẩn đã hoàn thành. Ngôi đền rộng khoảng 40 m2 được xây ở giữa một hồ nước nhỏ, mái uốn cong như hình tượng bông sen đang nở trên mặt hồ rộng lớn. Dưới nước thả sen, hoa súng. Mặt đền hướng về phía Tây Nam, có cầu bê tông bắc nối tiếp từ trong khuôn viên ra đền.
Bên trong, tượng Bác Hồ được chế tác bằng đá trắng đặt trên bàn thờ. Ngày khánh thành, rất đông bà con đến thắp hương tưởng nhớ Bác Hồ đã khiến vợ chồng ông thấy ấm lòng.
Gần 3 năm qua, đã có hàng chục vạn lượt người dân Tây Nguyên và các đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên đến ngôi đền này dâng hương tưởng niệm Bác Hồ.
Hình ảnh Bác Hồ cũng từ đó trở nên gũi hơn, thân thiết với cuộc sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên.
Tâm đắc với việc làm của vợ chồng ông Cẩn, Chủ tịch UBND phường An Phú - ông Phạm Thanh Long, hồ hởi nói, trong khi toàn Đảng, toàn dân ta đang tích cực triển khai sâu rộng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Bác Hồ, ai đến đây cũng hiểu ra rằng, việc làm của hai vợ chồng bà Đến, ông Cẩn thật đáng trân trọng, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ noi theo.
Theo Chinhphu.vn